TRƯỜNG SA KHÔNG XA TRONG TRÁI TIM TÔI

Trường Sa trong tôi tuy rất đỗi gần gũi nhưng cũng muôn trùng xa cách. Tôi đã từng huy động tất cả những mỹ từ khi nói về Trường Sa. Thế nhưng, đó là những từ được tôi vay mượn cảm xúc qua những vần thơ, câu chuyện, thước phim tư liệu về Trường Sa.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm UBNV (Bộ ngoại giao) chụp cùng đoàn kiều bào thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 năm 2024 (trên con tàu 561).

Mãi đến một ngày cuối tháng 4 lịch sử, trên con tàu 561, tôi mới được vinh dự cùng đoàn công tác số 11 tham gia chuyến hải trình 7 ngày (từ 24/04 đến 30/04/2024) do Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ ngoại giao) phối hợp với Bộ tư lệnh hải quân tổ chức chuyến thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-1.

Đúng 8h sáng, ngày 24/04/2024, sau khi làm lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trên con tàu không số, thuộc Lữ đoàn 125 – những người đã làm nên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển – tàu 561 đã rời bến, bắt đầu chuyến hải trình vượt 425 hải lý đưa đoàn đến với quần đảo Trường Sa. Sau 47 giờ lênh đênh trên sóng nước, tàu 561 đã cập bến tại điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến hải trình thăm các đảo Sinh Tồn Đông – Len Đao – Đá Đông B – Đá Tây – Trường Sa và Nhà giàn DK1/14 (Tư Chính).

Trường Sa đón chúng tôi bằng cảnh trời trong, mây trắng, biển xanh, cùng cái nắng, cái gió đã trở thành “đặc sản” của Trường Sa. Chỉ có đặt chân đến Trường Sa, ta mới có thể cảm nhận hết được vẻ đẹp của một vùng trời biển bao la nơi tuyến đầu Tổ quốc, giữa trùng khơi sóng vỗ có những hòn đảo nổi, đảo chìm như những đoá hoa do tạo hóa tạc nên và sẽ mãi bất diệt, trường tồn cùng con tạo.

Hãy đặt chân đến Trường Sa một lần để hiểu rằng để có được những cảnh trời trong, mây trắng, biển xanh, để có được từng tấc đất mà chúng ta đang sải bước, phải được đánh đổi bằng biết bao mồ hôi, mất mát, hy sinh cùng sự bền chí, kiên lòng của những người lính hải quân quả cảm, kiên cường. Và cũng chỉ có đến với Trường Sa, chúng ta mới có thể cảm nhận hết đằng sau cảnh trời, nước thanh bình ấy là những đợt sóng ngầm của Đại dương bao la, của tàu địch bủa giăng, có thể nổi cơn cuồng nộ bất kỳ. Trong lúc chúng ta đang được hưởng những khúc ru ca của cuộc sống thanh bình thì những người lính đảo lại phải cất cao nhịp khúc quân hành. Dây đàn có lúc căng lúc chùng, nhịp đàn có lúc nhặt lúc khoan, lúc du dương, khi trầm bổng nhưng những người chiến sĩ nơi đảo xa luôn phải sống trong sự căng chưa một phút chùng, bởi bủa vây lấy các anh là thiên nhiên kỳ bí đến khó lường, là kẻ thù hung hãn, luôn rình rập, khiêu khích. Các anh phải tỉnh thức ngay trong giấc ngủ; phải khôn khéo cương nhu trong sự quả cảm, can trường; phải cầm chắc tay súng trong lúc cả dân tộc đang hưởng khúc thái bình, không được phép lơ là, mất cảnh giác dù chỉ là giây, phút.

 Kiều bào thăm, tặng quà và chụp ảnh cùng các cháu học sinh tại Đảo Đá Tây.

Hãy đặt chân đến Trường Sa một lần để hiểu trọn vẹn ý nghĩa câu nói của người lính đảo: “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”. Chúng tôi được biết nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội, nhân dân cả nước và kiều bào khắp năm châu, Trường Sa nay đã thay da đổi thịt, ngày càng xanh hơn, đủ đầy hơn, khang trang hơn nhưng nhìn chung điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, cuộc sống ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn và vô cùng khắc nghiệt. Nhiều đảo không có giếng nước ngọt, cây cối không nhiều, việc trồng rau xanh trên đảo gặp rất nhiều khó khăn. Không những thế, có đảo còn nằm gần các đảo do Trung Quốc chiếm đóng. Vì thế, đời sống chiến đấu của các cán bộ, chiến sĩ trên đảo càng chồng chất những khó khăn và hiểm nguy rình rập. Nhưng cũng chính trong hoàn cảnh khắc nghiệt ấy đã chui rèn, hun đúc nên những người chiến sĩ kiên trung trước mọi nghịch cảnh. Bất chấp sự khắc nghiệt của thổ nhưỡng, thời tiết những vườn rau xanh, rau gia vị vẫn bất chấp vươn lên như để chứng minh cho chân lý: “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Bất chấp sóng gió bất chợt của biển Đông, hay chiến sự bất ngờ do kẻ thù dòm ngó, những người chiến sĩ hải quân vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng đối mặt với mọi kẻ thù như để minh chứng cho lời thề: “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.

Trong khuôn khổ của chuyến đi, đoàn chúng tôi đã được đặt chân đến cả những đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa. Đảo chìm nằm giữa bốn bề sóng nước. Gọi là đảo chìm bởi đảo chỉ là một nền san hô nhô lên giữa đại dương mênh mông. Nếu trên những đảo nổi, sức sống ít nhiều được ẩn trong màu xanh cây lá thì ở đảo chìm, nơi chỉ có một màu bê tông, cốt thép, sức sống chỉ có thể hiện lên trên những gương mặt rắn rỏi, ngoan cường của những người lính đảo. Đến thăm các đảo chìm tại quần đảo Trường Sa, chúng tôi càng cảm nhận được sự thiêng liêng của bia chủ quyền và lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột mốc. Để đánh dấu cột mốc chủ quyền, một ngôi nhà căn cứ cheo leo ngay trên nền san hô giữa biển khơi đã được dựng lên. Lúc thuỷ triều lên, bãi san hô ngập nước, lúc thuỷ triều xuống, bãi san hô trơ ra. Nhìn các anh chiến sĩ hải quân phải bám đảo, giữ đảo, nơi không có lấy một hạt đất để ươm mầm, nơi không có dấu hiệu của mầm sự sống, lòng chúng tôi quặn thắt. Thì ra “đảo chìm” là thế, “chủ quyền” là đây. Nhỏ nhoi, lẻ loi giữa mênh mông sóng nước nhưng nhờ có những người lính hải quân xem đảo là nhà, là sinh mệnh, biển cả là quê hương, nên những vùng chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mang tên “đảo nổi”, “đảo chìm” mới có thể vững chãi, hiên ngang và bừng lên sức sống quật cường.

Từ đảo Len Đao hướng về đảo Gạc Ma (do Trung Quốc chiếm đóng trái phép).

Có lẽ, ấn tượng khó phai nhất trong chuyến hải trình thăm quần đảo Trường Sa là lễ tưởng niệm 64 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến ở đảo Gạc Ma năm xưa. Trong lúc dâng những nén tâm hương gửi đến các anh, đoàn chúng tôi hầu như đều không thể ngăn được dòng nước mắt đang chực trào. Tận dụng hướng gió, chúng tôi đã nhờ dòng nước mang vòng hoa, vật phẩm cùng những cánh hoa, những chú hạc giấy trôi dạt vào bờ đảo Gạc Ma để gửi đến các anh. Những cánh hoa được thả xuống dòng nước cũng nghiêm trang xếp thành hàng như kỷ luật nhà binh để đến với các anh. Chúng tôi tin rằng, dù không còn, nhưng anh linh của các anh vẫn đang ngày đêm bám giữ biển đảo quê hương.

Chuyện về các anh bắt đầu từ mùa xuân năm 1988. Khi cả nước đang vui xuân, đón Tết, các anh đã lên đường để giữ đảo, bám đảo đến hơi thở cuối cùng. Trước phút hy sinh, đồng chí phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma vẫn không rời xa nhiệm vụ, anh đã lấy Quốc kỳ quấn quanh thân mình để động viên đồng đội không được lùi bước, để màu máu hoà quyện với màu cờ Tổ quốc, để thân mình vụt sáng thành ngọn hải đăng mãi đưa lối, dẫn đường. Giây phút anh ngã xuống nơi đảo xa, với Quốc kỳ quanh thân, anh như đang ngã vào lòng dân tộc. Cả dân tộc như đang ở bên anh, đưa tiễn anh cùng đồng đội bằng khúc tráng ca của nhịp sóng Trường Sa vọng mãi ngàn đời.

Các anh đã ra đi giữa mùa xuân của đất nước, giữa tuổi xuân của cuộc đời. Các anh ra đi bỏ lại mẹ già đang vò võ mong con, con thơ đang khóc đòi cha, người vợ trẻ đang mòn mỏi tựa cửa ngóng trông chồng, bỏ lại biết bao ước mơ, dự định còn đang dang dở. Các anh ra đi như để hoá thân thành sóng nước, để tạc hình vào sóng nước, và để trở về cùng sóng nước, những con sóng ngàn năm vẫn vỗ mãi vào bờ.

Con người ta ai rồi cũng một lần phải chết. Các anh đã vì biển đảo quê hương, vì thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, bỏ quên mình. Các anh đã ra đi để làm nên màu xanh của quê hương, làm nên màu cờ của Tổ quốc, làm nên dáng hình cho xứ sở, làm nên đất nước muôn đời. Cả dân tộc nợ các anh một món nợ ân tình.

Hãy đặt chân đến Trường Sa một lần, một trường từ vựng về thiên nhiên, đất nước, biển đảo, … sẽ được ta định nghĩa bằng những hình ảnh, những cảm xúc chân thực mà không một từ điển nào có thể giải nghĩa được. Đó chính là từ điển của sự trải nghiệm, thấu cảm, của trái tim mang nhịp đập cùng tần với nhịp sóng của Trường Sa.

Tại vùng biển thuộc cụm đảo Cô Lin – Len Đao – Gạc Ma (do Trung Quốc chiếm đóng trái phép), những cánh hoa, những chú hạc giấy đã nghiêm trang xếp thành hàng xuôi theo dòng nước để đến với 64 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến ở đảo Gạc Ma vào mùa xuân năm 1988.

Trường Sa, vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc tuy đã ngày càng thay da đổi thịt nhưng vẫn còn đó muôn vàn những khó khăn, thiếu thốn. Cần lắm những trái tim cùng nhịp đập với Trường Sa, cần lắm những cánh tay nối dài của những người con mang dòng dõi con cháu Lạc Hồng ở khắp năm châu cùng hướng về Trường Sa để quân và dân nơi huyện đảo Trường Sa có thể vững tinh thần, chắc tay súng, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ biển đảo Việt Nam.

Trường Sa, trước đây, với tôi xa vì địa lý, vì chưa quen biết, chưa gặp gỡ bao giờ. Trường Sa, nay trong tôi không xa vì đã được khắc vào tim, được lưu vào ký ức. Ký ức về Trường Sa không chỉ là một vùng biển đảo quê hương nơi cực Đông của Tổ quốc mà còn là thềm lục địa thiêng liêng, là pháo đài canh gác, là trạm gác tiền tiêu, là lá chắn vững chắc từ hướng biển, là vùng biển đảo nặng sâu những ân tình.

Hãy đặt chân đến Trường Sa một lần để thăm Tổ quốc thật gần trong ta. Hãy đặt chân đến Trường Sa một lần, để thêm yêu Tổ quốc vạn lần trong tim.

Cảm nhận từ chuyến hải trình đến với Trường Sa – 04/2024.

Người viết

 Ths. Nguyễn Thụy Thiên Hương

  Giảng viên: bộ môn Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam,
             Trường Đại học Malaya (UM), Malaysia