Gỡ khó nguồn cát các dự án trọng điểm phía Nam: “Bàn để quyết chứ không bàn để đấy”

Đây là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương khẩn trương giải quyết các vướng mắc, sớm khai thác các mỏ cát cung cấp cát cho các dự án trọng điểm phía Nam.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì buổi làm việc tìm nguồn cung cấp cát cho các dự án trọng điểm phía Nam.

Chiều 24/6, tại tỉnh Bến Tre, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương về giải quyết nguồn vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía nam.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, giai đoạn 2021-2025, Khu vực ĐBSCL và Đông Nam bộ triển khai thi công 6 dự án cao tốc trọng điểm gồm 16 dự án thành phần và một số dự án quan trọng khác.

Tuy nhiên hiện nay là nguồn vật liệu cát đắp nền đang gặp khó khăn do thiếu nguồn cát san lấp. Tổng nhu cầu đắp các dự án 65 triệu m3.

Trong đó, các tuyến cao tốc: Cần Thơ- Cà Mau hiện còn thiếu khoảng 9,7 triệu m3; ; Châu Đốc – Cần Thơ- Sóc Trăng thiếu hơn 10,5 triệu m3; ; Vành đai 3- TP HCM thiếu 8,6 triệu m3; An Hữu- Cao Lãnh thiếu 0,95 triệu m3; đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi – Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận thiếu 1,8 triệu m3…

Theo Bộ GTVT, để tháo gỡ các vướng mắc, bảo đảm đầy đủ nguồn vật liệu phục vụ thi công các dự án hoàn thành tiến độ, Bộ GTVT đã kiến nghị các tỉnh: Sóc Trăng, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre đẩy nhanh thủ tục cấp phép các mỏ cát trên địa bàn.

Quang cảnh buổi họp chỉ đạo chiều này 24/6 tại tỉnh Bến Tre.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành báo cáo về tình hình, khả năng cung ứng cát san lấp cho các dự án giao thông, công trình trọng điểm quốc gia; những khó khăn, vướng mắc, đồng thời kiến nghị đề xuất đến các bộ, ngành trung ương và Chính phủ.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam kiến nghị các bộ, ngành hỗ trợ tỉnh thực hiện điều chỉnh công suất khai thác cát trong quy hoạch tỉnh; tiêu chí lựa chọn nhà thầu khai thác mỏ cát…

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời đề nghị bộ, ngành hướng dẫn để tỉnh tiếp tục gia hạn một số mỏ cát sông đã hết thời hạn khai thác để cung cấp cho dự án đường vành đai 3 TPHCM.

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cho biết, tỉnh sẵn sàng làm việc cụ thể với UBND TPHCM trong trường hợp sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp.

Gỡ khó nguồn vật liệu cát cho Vành đai 3- TP.HCM.

Về nguồn cát dự án đường Vành đai 3- TP.HCM, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, tổng nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường của Dự án đường Vành đai 3 khoảng 9,3 triệu m3, trong đó vào năm 2024 cần khoảng 6 triệu m3; năm 2025 khoảng 2,9 triệu m3 và năm 2026 khoảng 0,4 triệu m3.

Ông Phan Văn Mãi- Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị các địa phương hỗ trợ nguồn cát cho dự án đường Vành đai 3- TP.HCM.

Cũng theo ông Mãi, với chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương và sự thống nhất hỗ trợ của các tỉnh: Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với nguồn vật liệu cát đắp nền đường cho dự án đường Vành đai 3.

Hiện nay, các địa phương đang triển khai các thủ tục liên quan để có thể cung cấp cát đắp nền đường theo khối lượng, tiến độ của dự án. Cụ thể: Tiền Giang: 6,3 triệu m3; Vĩnh Long 1,4 triệu m3; Bến Tre 4,2 triệu m3.

Như vậy, nguồn cung ứng vật liệu cát đắp nền đường theo cam kết của Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre đã cơ bản đáp ứng khối lượng theo nhu cầu của dự án đường Vành đai 3.

Ông Trần Ngọc Tam – Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cam kết hỗ trợ cát cho dự án Vành đai 3.

Tuy nhiên về tiến độ cung cấp cát vẫn cần 3 địa phương quan tâm đẩy nhanh hơn nữa, vì dự kiến sớm nhất đến cuối tháng 8/2024 mới có cát từ các tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang bắt đầu cung cấp cho dự án, nên việc đảm bảo lượng cát phục vụ cho thi công dự án Vành đai 3 trong các tháng 6,7,8/2024 vẫn là thách thức lớn.

Về sử dụng nguồn cát nhập khẩu Campuchia, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, để đảm bảo tiến độ dự án trong thời gian chờ thủ tục để cấp phép khai thác các mỏ cát tại Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long, việc sử dụng thêm nguồn cát nhập khẩu Campuchia là cần thiết

Tuy nhiên, do có sự chênh lệch lớn giữa đơn giá cát nhập khẩu với đơn giá cát trong nước nên việc sử dụng nguồn cát Campuchia trong dự án đường Vành đai 3 trong thời gian qua rất hạn chế.

Vì vậy, để đảm bảo tiến độ cung cấp nguồn vật liệu cát đắp nền đường cho dự án đường Vành đai 3, lãnh đạo UBND TP.HCM kiến nghị các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long hỗ trợ, khẩn trương đẩy nhanh các thủ tục liên quan để các mỏ sớm đưa vào khai thác, cung cấp cát phục vụ cho Dự án đường Vành đai 3.

UBND TP.HCM cũng kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương các nhà thầu thi công sẽ mua cát Campuchia và có chủ trương bù giá cho khối lượng cát mua từ nguồn Campuchia…

Không để thiếu cát, thi công chậm làm tăng tổng mức đầu tư dự án

Kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải rất rõ trách nhiệm, không được để chậm tiến độ các dự án giao thông trọng điểm của quốc gia.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải phải khẩn trương hướng dẫn chi tiết việc điều tiết các mỏ cát “cho vay”, “hoàn trả” để đáp ứng tiến độ các dự án cao tốc, không làm thay đổi tổng nguồn cát đã phân bổ cho các địa phương. Các nhà thầu phải cập nhật đầy đủ hồ sơ khảo sát xây dựng để bổ sung những mỏ cát “cho vay”, “hoàn trả”.

Bộ Tài nguyên và Môi trường lập các tổ công tác hướng dẫn Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng, An Giang trình tự thủ tục về nâng công suất khai thác, quyết định thủ tục đầu tư, cấp phép khai thác lại mỏ cát sông; hoàn thành việc giao khu vực biển cho nhà thầu khai thác cát biển ở tỉnh Sóc Trăng theo đúng thời hạn.

Bộ Giao thông Vận tải chính thức có văn bản công bố quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về cơ lý, công nghệ, vật liệu đi kèm… khi sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp, làm căn cứ cho các địa phương thực hiện. Trong tình huống các khó khăn, vướng mắc về nguồn cát san lấp được giải quyết, Bộ Giao thông Vận tải phải điều chỉnh, cập nhật và báo cáo tiến độ các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía nam.

Huỳnh Mạnh – Thanh Phong