Năm 2023, một dòng nhang mới được phát triển đã làm thay đổi phương thức sản xuất cũng như tiêu chuẩn nhang tại thị trường Việt Nam.
Sau hơn 3 năm nghiên cứu và sản xuất các dòng nhang khác nhau từ thảo mộc tự nhiên, năm 2023, anh Hà Văn Lộc – một kỹ sư kĩ thuật chế tạo máy tại TPHCM đã phát triển kỹ thuật sản xuất nhang, giúp tạo ra dòng nhang an toàn hơn, giá thành rẻ hơn từ rơm lúa.
Sáng tạo hướng đến người dùng
Trong kỹ thuật sản xuất nhang truyền thống, mùn cưa, lá cây, bột gỗ sẽ được phơi khô sau đó nghiền thành bột mịn rồi cho thêm keo dính công nghiệp và hương thơm công nghiệp phối trộn và cho vào máy chạy ra cây nhang.
Quy trình này bị hạn chế là không khử được mùi hôi của khói nhang gây độc hại và mùi thơm công nghiệp khi tẩm vào nhang cũng sẽ gây độc nếu hít khói nhang này mỗi ngày.
Tuy nhiên, kỹ thuật sản xuất nhang mới từ rơm lúa của anh Lộc nghiên cứu đã khắc phục được 2 nhược điểm này.
Anh Hà Văn Lộc phân tích, nguyên liệu làm nhang truyền thống luôn có mùi hôi tự nhiên vì chưa khử được lượng cenllulose và protein trong bột gỗ.
Do đó, anh đã ứng dụng kỹ thuật vi sinh để khử 2 hợp chất cenllulose và protein trong rơm nhằm giảm bớt mùi hôi của khói nhang. Khi đốt Nhang Lúa mang mùi hương trung tính, dịu nhẹ của lúa.
Việc ứng dụng công nghệ nén chặt không dùng keo kết dính cũng giúp làm giảm lượng khói khi đốt và công nghệ sấy bằng sóng hồng ngoại giúp nhang lúa được bảo quản lâu hơn mà không bị ẩm mốc – anh Lộc cho biết.
Để khắc phục vấn đề tẩm ướp mùi công nghiệp độc hại trong khói ngang, anh Lộc đã đưa tinh dầu tự nhiên vào nhang qua công nghệ đồng hóa nano để tinh dầu được thơm hơn và chống hoàn nguyên sau pha chế cũng như tạo ra được mùi thơm tinh dầu sao cho phù hợp với mỗi đặc tính vùng miền khác nhau.
Việc ứng dụng kĩ thuật dùng vi sinh để khắc chế vi sinh, cùng với công nghệ sản xuất hiện đại, hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất đã giúp tạo ra sản phẩm nhang lúa an toàn, khói nhang không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
Đặc tính khác biệt là ‘bảo vệ hốc mũi’ và khả năng diệt 6 chủng vi sinh gây viêm ở mũi của Nhang Lúa đã được kiểm định bởi Đại học Y Dược TPHCM.
Dược sĩ Lê Văn Hoài Trân – Đại học Y Dược TPHCM cho biết, kết quả kiểm nghiệm cho thấy, Nhang Lúa sau khi đốt có khả năng diệt vi khuẩn Klepsiella neumoniae và Staphylococcus aureus, trong đó vi khuẩn Staphylococcus aureus là loài thường gặp ở đường hô hấp con người. Điều này cho thấy khả năng ứng dụng cao của Nhang Lúa trong cuộc sống thường ngày.
Được đánh giá là giải pháp an toàn trong bối cảnh thị trường nhang quá đa dạng và khó kiểm soát, năm 2023, sản phẩm Nhang Lúa đã được trao giải Nhất cuộc thi Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2023 do Sở Khoa học Công nghệ phối hợp với Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM tổ chức.
Phiếu phân tích kết quả diệt khuẩn của khói nhang lúa
Giải pháp mới tăng giá trị rơm lúa, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn
Thống kê cho thấy, trung bình nước ta sản xuất trên 40 triệu tấn gạo/năm, dẫn đến việc tích lũy lượng rơm lúa lên đến 45 triệu tấn/năm.
Rơm lúa sau thu hoạch nếu đốt trực tiếp tại đồng, giá trị của nó chỉ ở mức 1.500 đồng/kg, nếu được làm phân bón, giá thể thì có thể mang lại giá trị khoảng 2.000 đồng/kg; làm thức ăn cho gia súc, giá trị cũng chỉ 3.000 đồng/kg; làm vật liệu xây dựng giá trị của rơm lên 5.000 đồng/kg… Nhưng, nếu rơm được sử dụng để làm nhang, giá trị kinh tế sẽ cao hơn nhiều.
Anh Hà Văn Lộc tính toán, Công ty Sài Gòn TCS do anh sáng lập đã sản xuất thành công nhang từ rơm lúa, và điều này đã giúp rơm lúa tăng giá trị gấp nhiều lần. sản lượng nhang dùng hàng năm của Việt Nam và các nước Đông Nam Á là rất lớn. Điều này mở ra cơ hội rất lớn cho rơm lúa.
Việc biến rơm lúa thành nhang có ý nghĩa lớn trong việc phát huy mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn đang được Việt Nam đẩy mạnh, đồng thời chấm dứt sự toàn hoàn có can thiệp và tác động của con người mà đi vào sự tuần hoàn của tự nhiên.
Theo anh Hà Văn Lộc, trong kinh tế tuyến tính, lúa sau khi được thu hoạch, hạt gạo mới được coi là sản phẩm được chúng ta sử dụng, còn sản phẩm cuối là rơm bị coi là phế, phụ phẩm ít giá trị, thậm chí còn phải… mất công sức xử lý.
Khi tận dụng rơm lúa để sản xuất nhang với quy trình sản xuất ứng dụng công nghệ hiện đại, không sử dụng hóa chất gây hại, sẽ tạo ra sản phẩm nhang lúa an toàn cho sức khỏe.
Nhang Lúa sau khi được đốt thành tro có thể bón trực tiếp xuống đất để bổ sung độ mùn và một số chất hữu cơ, kali… tốt cho đất và cây trồng
Như vậy, khép trọn một vòng tròn tối ưu từ ‘trồng lúa – thu hoạch – tái chế rơm – tạo ra nhang – tro nhang về với đất’ – không một công đoạn nào tạo ra chất thải, không tốn chi phí xử lý… đáp ứng mọi yêu cầu của nền kinh tế tuần hoàn.
Máy tạo nhang từ rơm lúa
Bà Lê Thị Bé Ba – Phó Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao đánh giá, sản phẩm nhang làm từ rơm lúa đã áp dụng các tiến bộ khoa học – công nghệ và tái chế chất thải, phụ phẩm trong quá trình sản xuất để tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm lãng phí và ô nhiễm môi trường, ngoài ra dự án cũng giúp nâng cao giá trị kinh tế cho người trồng lúa nâng cao thêm thu nhập từ việc bán rơm.
Bà Lê Thị Bé Ba nhấn mạnh, đây là xu thế mà nền nông nghiệp nước ta đang hướng đến – phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới nền nông nghiệp xanh, đồng thời là một giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả. Đây là một trong những chủ trương đã được Đảng và Nhà nước đã được cụ thể hóa thông qua những chính sách trong thời gian gần đây.
Nhang Lúa có thể coi là một trong những sản phẩm mới tiêu biểu của năm 2023 bởi ngoài việc mang đến lợi ích lâu dài cho nền nông nghiệp nước nhà, đây còn là sản phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe người hít khói nhang, giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi phí đốt nhang hàng năm.
Tin và ảnh: Trọng Nhân