Giáo sư -Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Võ Tòng Xuân (cố vấn Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam) qua đời, để lại sự tiếc nuối của chính quyền và người dân các tỉnh miền Tây.
GS.TS Võ Tòng Xuân trong cuộc hội thảo về lúa gạo
Là một nhà khoa học luôn sát cánh với nông dân, ông được “nhà nông” phong tặng là người của công việc, của ruộng đồng, luôn trăn trở tìm cách giúp nông dân giàu lên từ nông nghiệp.
Tận hiến cho nông nghiệp
Giáo sư – Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, sinh ở tỉnh An Giang nhưng sớm rời quê đến Sài Gòn học hành và phụ cha mẹ nuôi các em ăn học. Năm 1969, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành nông hóa tại Đại học Nông nghiệp Philippines, ông được IRRI nhận vào làm và chính ông là người đi tiên phong trong việc phổ biến mô hình khuyến nông trực tiếp trên đất nước Philippines.
Năm 1971, dù đang có công việc ổn định ở nước ngoài, ông vẫn quyết định về nước, đem những kiến thức và kinh nghiệm nông nghiệp tích lũy, phổ biến cho nông dân Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Năm 1974, ông sang Nhật Bản làm nghiên cứu sinh, được mời ở lại Nhật Bản làm việc nhưng ông quyết định quay về nước vào năm 1975 – thời điểm mà nhiều người miền Nam bay ra nước ngoài sinh sống. Ông quyết định về nước để giúp bà con khôi phục ruộng đồng hoang hóa do chiến tranh.
Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, kể lại khi học ngành trồng trọt với thầy Xuân, sinh viên không chỉ học ở lớp mà còn được thầy đưa đi thực tế nhiều nơi, trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với bà con nông dân về sản xuất nông nghiệp, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nông dân, hướng dẫn bà con cách trồng những giống lúa mới do thầy lai tạo, các quy trình canh tác hiện đại. Điều trăn trở lớn nhất của thầy là làm cho nông dân sống khấm khá bằng nghề trồng lúa. Theo thầy, người trồng lúa vất vả nhưng đời sống vẫn khó khăn là do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu ứng dụng khoa học công nghệ, chưa được liên kết các khâu ở cả đầu vào lẫn đầu ra. Thầy đã đi khắp các vùng đất có đặc tính khác nhau, nghiên cứu và phổ biến cách thức canh tác lúa phù hợp, mang lại nhiều kết quả tích cực- ông Bùi Thanh Liêm cho hay.
PGS.TS Nguyễn Văn Sánh – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, cũng khẳng định Giáo sư – Tiến sĩ Võ Tòng Xuân lặn lội thực tế đồng ruộng khắp vùng miền cả nước. Kết quả thành công từ mô hình lúa – tôm và lúa- cá phát triển mạnh nhất, đã đưa người nông dân vượt qua khó khăn, làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương.
Nhà khoa học của đồng ruộng, của Nhân dân
Được mệnh danh là nhà khoa học của đồng ruộng, của nhân dân, Giáo sư- Tiến sĩ Võ Tòng Xuân đã đem hết bất ngờ này đến bất ngờ khác cho nông dân các tỉnh miền Tây. Có lẽ dấu ấn lớn nhất của Giáo sư – Tiến sĩ Võ Tòng Xuân là năm 1977, khi sản xuất lúa ở ĐBSCL đang phát triển, thì nhiều cánh đồng bị rầy nâu tấn công, chết héo. Tình hình rất nguy cấp vì cả nước còn thiếu lương thực mà khả năng mất mùa hiển hiện trước mắt. Ông đã liên hệ với IRRI để nhờ hỗ trợ và được họ gửi cho 4 giống lúa mới IR36, IR32, IR34, IR38, mỗi thứ chỉ có 5 gr đựng trong một bì thư. Sau thí nghiệm, chọn được giống có tính kháng rầy mạnh nhất là IR36. Chẳng ai ngờ rằng, 7 tháng sau, ông và cộng sự đã nhân lên được 2.000 kg lúa giống IR36 từ vỏn vẹn 5 gr.
Khi đó là vào giữa năm 1978, ông đề xuất Trường Đại học Cần Thơ làm một việc chưa từng có, đó là đóng cửa trường 2 tháng để sinh viên ra đồng cùng nông dân sản xuất, nhân giống lúa IR36. Hành trang của mỗi sinh viên là những bài học thật tiết kiệm, cấy một tép, một bụi. Cuối vụ lúa chín, nông dân chỗ này thu hoạch lại đong lúa giống cho nông dân chỗ khác. Chẳng bao lâu sau, cánh đồng miền Tây kín mít lúa cao sản IR36, rầy nâu cũng hết đất sống.
Dần dần, lúa cao sản 2 vụ/năm, năng suất ít nhất 9 – 10 tấn/ha này đã thay thế gần như hoàn toàn lúa mùa 2 – 3 tấn/ha, trồng một vụ/năm. Đến những năm 1980, giống lúa IR36 đã được sử dụng trên toàn cầu với diện tích canh tác lên đến 11 triệu ha, tác động tích cực đến cuộc sống của hàng triệu người trên toàn thế giới. Không chỉ vậy, Giáo sư – Tiến sĩ Võ Tòng Xuân còn góp công lớn trong việc thúc đẩy các cơ chế khoán, thay cho cơ chế bao cấp, hợp tác hóa nông nghiệp. Đặc biệt, năm 1989, Quốc hội họp đưa vấn đề xuất khẩu lúa gạo ra bàn. Khi đó, ông là đại biểu Quốc hội đã đề nghị Chính phủ mở cửa xuất khẩu, khi miền Tây có thể làm chủ nguồn lúa gạo. Tới tháng 11/1989, nước ta bắt đầu xuất khẩu gạo. Chỉ trong 2 tháng cuối năm ấy, đã có 1,7 triệu tấn gạo xuất khẩu, mở ra chương mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Giáo sư -Tiến sĩ Võ Tòng Xuân luôn sẵn lòng chia sẻ kiến thức chuyên môn sâu rộng về ĐBSCL cũng như các chính sách liên quan phát triển bền vững, đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
GS.TS Võ Tòng Xuân gắn bó cả cuộc đời với cây lúa
Sau thời gian lâm bệnh nặng, Giáo sư – Tiến sĩ Võ Tòng Xuân đã qua đời ngày 19/8/2024 tại một bệnh viện ở TP.HCM, hưởng thọ 84 tuổi. Linh cữu của giáo sư được quàn tại Nhà tang lễ Câu lạc bộ hưu trí, TP Cần Thơ, sau đó được an táng tại quê nhà An Giang.
Được biết, Giáo sư Võ Tòng Xuân sinh ngày 6/9/1940 tại thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ông từng giữ các chức vụ như Phó hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ, Hiệu trưởng Trường đại học An Giang, Ủy viên Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước Việt Nam, Hiệu trưởng Trường đại học Tân Tạo, thành viên Hội đồng sáng lập và sau đó là Hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ. Ông là đại biểu Quốc hội các khóa VII, VIII, IX.
Với những cống hiến xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo, giáo sư Võ Tòng Xuân đã được Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba, Nhà giáo Nhân dân.
Ông cũng nhận được nhiều giải thưởng quốc tế như Huy chương Hiệp sĩ nông nghiệp của Chính phủ Pháp (1996), bằng Tưởng lệ của Thủ tướng Canada về “Phụng sự và đóng góp cho khoa học thế giới”, Huân chương Mặt trời mọc, Tia sáng vàng và Ruy băng cổ của Chính phủ Nhật Bản (2022). Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng VinFuture (2023).
Nhị Tâm- Minh Châu