Khoảng đầu tháng 3-2016, đồng chí Phan Văn Mãi (khi ấy là Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy) đi họp Ban Chấp hành Trung ương điện về báo chuẩn bị đón đồng chí Tổng Bí thư. Nội dung chủ yếu, nghe báo cáo tình hình triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 – 2020; kiểm tra, thăm hỏi, động viên nhân dân bị ảnh hưởng hạn mặn; thăm xã nông thôn mới Hữu Định (Châu Thành) và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi đến thăm nhà máy chế biến sữa dừa ở Cụm công nghiệp Phong Nẫm, Giồng Trôm năm 2016. Ảnh: T. Hiền
Chiều ngày 16-3-2016, đoàn công tác của đồng chí Tổng Bí thư về đến tỉnh. Sau khi ăn cơm tối xong, đồng chí Nguyễn Văn Nên (lúc đó là Chánh Văn phòng Trung ương Đảng) gọi tôi lên phòng đồng chí Tổng Bí thư để báo cáo chương trình làm việc ngày mai. Đồng chí Nguyễn Văn Nên nói đại ý: “Cụ rất thích lắng nghe cơ sở trước buổi làm việc chính thức, có gì cứ phát biểu thoải mái nhé”. Ban đầu, tôi cũng hơi “bị căng thẳng”, nhưng sau mấy phút “hội kiến” tôi dần “dạn hẳn ra” khi thấy bác rất gần gũi thân tình, cởi mở chứ không như tôi hình dung là phải nghiêm trang, nghi lễ này kia.
Sáng ngày 17-3-2016, sau khi ăn sáng, đoàn bắt đầu đi Giồng Trôm theo lịch trình. Khi ra đến sảnh khách sạn, bất ngờ Bác Trọng quay lại nói: “Cậu lên xe đi chung với mình nhé!”. Đây là tình huống ngoài dự kiến, làm tôi hơi bối rối.
Dọc đường, sau mấy câu hỏi thăm về gia đình, vợ con tôi, Bác Trọng tiếp tục hỏi về tình hình đời sống bà con nhân dân, việc xây dựng quy chế Tỉnh ủy, mối quan hệ trong Thường trực; đặc biệt là quan hệ làm việc trong điều kiện Bí thư Tỉnh ủy không là Ủy viên Trung ương có gì khó khăn không? Thật sâu sắc, tế nhị. Bác Trọng đặc biệt quan tâm tìm hiểu cách xây dựng chương trình hành động của Tỉnh ủy với 113 đầu việc. Bác cho rằng đây là một cách làm sáng tạo. Khi nghe tôi báo cáo chủ trương của Tỉnh ủy về chương trình Đồng khởi khởi nghiệp thoát nghèo làm giàu, bác rất chăm chú. Nghe xong, bác chậm rãi nói: “Mình hoan nghênh cách đặt vấn đề theo quan điểm đột phá, vươn lên của Bến Tre. Rõ ràng, không ai chối cãi, Đồng khởi là một dấu mốc lịch sử của cách mạng miền Nam, vinh quang lắm! Nhưng ta không thể đắm đuối với quá khứ mà no cơm ấm áo được. Phải kế thừa, phát huy sao cho dân hết khổ, hết nghèo, giàu lên kìa! Cái văn hóa, truyền thống hay không là ở chỗ này đấy!”
Khoảng 30 phút, đoàn xe xuống tới ấp Tân Bình, xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm. Ra khỏi xe, bác đứng trầm ngâm một lúc, khi nhìn thấy cả cánh đồng lúa cháy vàng xơ xác. Tháng Ba, nắng hạn, nước mặn, đất đỏ quạch màu phèn. Cập tỉnh lộ 885 có con mương dẫn nước nhưng đã khô, chỉ còn bùn lõng bõng; đồng chí sĩ quan tiếp cận bước xuống mé lộ trước, đưa tay nói: “Bác để cháu đỡ sang ạ!”. Đồng chí Tổng Bí thư khoát tay: “Mình nhảy qua được mà!”. Mọi người rất bất ngờ vì thấy bác bước qua con mương khá nhẹ nhàng.
Ra đến giữa cánh đồng, bác ngồi xuống trước đám lúa cháy xém với mấy chú nông dân. Bác mân mê từng gốc lúa, cọng lúa khô cong, nhỏ nhẹ hỏi thăm từng người, ân cần, thấu cảm như người thân. Quay sang tôi và đồng chí Nguyễn Văn Nên, bác khẽ nói: “Mất trắng kiểu này, chẳng những dân nghèo, mà đến trâu bò cũng không còn rơm mà ăn, các cậu ạ!”.
Buổi chiều về làm việc với Tỉnh ủy, trong bài phát biểu chỉ đạo sâu sắc, toàn diện về phương hướng sắp tới trên các lĩnh vực xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, văn hóa – xã hội, an ninh – quốc phòng… bác đặc biệt trăn trở, chia sẻ rất lâu về câu chuyện hạn mặn buổi sáng. Ý kiến của Tổng Bí thư chắc chắn phải thấu tình, đạt lý rồi! Nhưng đối với tôi, ấn tượng về bác chính là những câu nói, lời dặn dò, chia sẻ rất đời thường, rất chân thành mà sâu lắng trên xe và dưới ruộng hồi sáng.
Đó là những kỷ niệm sâu sắc tôi không bao giờ quên về người lãnh đạo cao nhất mà tôi kính trọng!
Võ Thành Hạo
(Nguyên Bí thư Tỉnh ủy)
Dẫn nguồn BÁO ĐỒNG KHỞI