Ngày 18/6, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã chia sẻ ứng dụng “AI tra cứu luật” và ký Biên bản ghi nhớ cùng Đại học Luật TP.HCM về việc phối hợp tổ chức các chương trình đào tạo, ứng dụng công nghệ Blockchain và AI cho sinh viên và giảng viên nhà trường.
Kỳ vọng nghề nghiệp của luật sư và chuyên gia pháp lý trong thời đại Blockchain và AI sẽ thay đổi.
Theo đó, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII đã phối hợp với Đại học Luật TP.HCM tổ chức tọa đàm “Ứng dụng AI & Blockchain trong ngành luật” cho giảng viên, sinh viên nhà trường và ký kết Biên bản Ghi nhớ (MOU) về việc thúc đẩy đào tạo, phổ cập blockchain, AI.
Phát biểu khai mạc chương trình, TS. Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM chia sẻ: “Việc kết hợp giữa công nghệ và luật là một bước tiến mà nhà trường mong muốn cùng Hiệp hội Blockchain Việt Nam thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngay từ bây giờ. Để thực hiện hóa mục tiêu đó, chúng tôi sẽ xây dựng lộ trình các môn học ứng dụng công nghệ AI và Blockchain nói riêng và các công nghệ khác nói chung để giảng dạy cho sinh viên, tạo đầu ra chất lượng cho nguồn nhân lực trẻ Việt Nam”.
Về phía Hiệp hội Blockchain Việt Nam, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực là người đại diện ký kết MOU với Đại học Luật TP.HCM nhằm tăng cường quan hệ hợp tác song phương, phối hợp tổ chức các chương trình đào tạo cho giảng viên, sinh viên; nghiên cứu khoa học và chuyển giao ứng dụng công nghệ giữa hai bên; tăng cường chất lượng hoạt động đào tạo kỹ năng liên quan đến công nghệ Blockchain & AI; Cấp chứng chỉ công nghệ; Tổ chức các khóa học Blockchain & AI trực tuyến; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngay tại lễ ký kết, VBA và Viện ABAII đã chia sẻ “AI tra cứu luật”, một ứng dụng mới do Viện ABAII phát triển và 30 suất học bổng về Blockchain, AI và Fintech trên nền tảng online cho các sinh viên, giảng viên Đại học Luật TP.HCM.
Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.
“AI tra cứu luật” là một trợ lý AI pháp luật cá nhân dành cho tất cả mọi người, hoàn toàn miễn phí, kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) với phân tích dữ liệu lớn nhằm hỗ trợ người dùng có thể tìm kiếm các thông tin pháp lý một cách nhanh chóng và chính xác.
““AI tra cứu luật” là một trong những nỗ lực phổ cập kiến thức pháp luật, phổ cập blockchain, AI mà VBA và Viện ABAII đã đặt ra nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng hiệu suất làm việc cho doanh nghiệp. Chúng tôi mong rằng các bạn sinh viên, giảng viên, các luật sư, chuyên gia pháp lý và đông đảo cộng đồng sử dụng “AI tra cứu luật” sẽ có những góp ý, phản hồi để ứng dụng ngày càng hoàn thiện, chính xác và được sử dụng rộng rãi hơn”, ông Phan Đức Trung nhấn mạnh.
Ông Hàng Minh Lợi, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo AI (AIIC) thuộc Viện ABAII đã hướng dẫn các bạn sinh viên trải nghiệm trực tiếp, sau đó tra cứu, đối chiếu và phân tích chất lượng câu trả lời mà AI đưa ra. Đồng thời, để tối ưu các kết quả tìm kiếm, ông Lợi cũng chia sẻ ưu và nhược điểm cũng như cách tạo các câu lệnh đối với công cụ này để hỗ trợ các bạn sinh viên như một trợ lý học tập cá nhân.
Cũng tại chương trình, các chuyên gia hàng đầu về pháp lý, công đã có buổi trao đổi cởi mở, thẳng thắn về việc ứng dụng công nghệ blockchain và AI vào ngành luật cũng như các vấn đề pháp lý, đạo đức hiện đang được cộng đồng rất quan tâm.
Hiệp hội Blockchain Việt Nam và ký Biên bản ghi nhớ cùng Đại học Luật TP.HCM
Trong đó, một vấn đề được nhiều bạn sinh viên quan tâm và đặt ra cho các diễn giả là: Triển vọng nghề nghiệp của luật sư và chuyên gia pháp lý trong thời đại Blockchain và AI sẽ thay đổi như thế nào? Liệu AI có thay thế con người mà cụ thể là các luật sư, chuyên gia pháp lý?
Giải đáp băn khoăn này, luật sư Nguyễn Tri Thắng cho biết, AI đang hỗ trợ rất nhiều cho nhân sự nghề luật, giúp họ tăng năng suất, tăng mức độ chính xác và tốc độ giải quyết công việc. Đại học Stanford đã tiến hành thí nghiệm với AI pháp lý LawGeex bằng cách cho công cụ này làm bài kiểm tra cùng 20 luật sư giàu kinh nghiệm để đánh giá các hợp đồng pháp lý. Kết quả cho thấy, các luật sư đạt được tỷ lệ chính xác 85% và mất trung bình 92 phút, trong khi AI đạt đến 95% và hoàn thành nhiệm vụ chỉ trong vòng 26 giây.
Tuy nhiên, luật sư Thắng cũng bày tỏ lo ngại vì “mặc dù không thể thay thế hoàn toàn con người hay các luật sư, chuyên gia pháp lý nhưng sự phát triển của AI cũng đem đến những khó khăn nhất định như làm tăng tính cạnh tranh, gia tăng áp lực nghề nghiệp đối với các nhân sự ngành luật”.
Đồng quan điểm, ông Đào Trung Thành, Phó Viện trưởng Viện ABII cho biết, việc sử dụng AI sẽ cần phải đi cùng với các kế hoạch bảo mật dữ liệu cũng như việc xác thực thông tin, đặc biệt là trong một lĩnh vực cần độ chính xác cao như ngành luật. Quá trình đào tạo AI, dán nhãn các kiến thức để AI có thể đưa ra những trả lời chính xác cũng sẽ đòi hỏi các nhà phát triển phải đầu tư tâm huyết và sự tham gia của đông đảo cộng đồng vì nền tảng của AI là dữ liệu lớn do chính cộng đồng cung cấp.
“Bên cạnh đó, còn có những vấn đề về đạo đức trong sử dụng AI mà các cá nhân, tổ chức muốn sử dụng công cụ thường xuyên cần hết sức lưu ý vì lằn ranh giữa sử dụng và lạm dụng AI là rất nhỏ”, ông Thành nhấn mạnh.
PV. THU THỦY – THANH PHONG