Nhằm cung cấp thông tin khoa học cập nhật về thị trường carbon, một vấn đề rất được xã hội quan tâm, ngày 22- 23/8/2024, tại Nhà khách Quốc hội, số 165 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP.Hồ Chí Minh, Trường đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh, Tổ chức Nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế (CIFOR), Viện Nghiên cứu Môi trường/Đại học Adelaide, đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Chia sẻ, cập nhật thông tin về thị trường carbon từ hệ sinh thái rừng ven biển”. Đây là dịp quan trọng để các cơ quan chức năng, các chuyên gia, doanh nghiệp… cùng nhau chia sẻ kiến thức, học hỏi và hợp tác để xây dựng những dự án carbon xanh chất lượng cao.
TS.Trần Đình Lý phát biểu tại buổi Toạ đàm
Phát biểu khai mạc buổi toạ đàm, TS. Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm TPHCM, nêu rõ: Thị trường carbon đang trở thành một vấn đề quan trọng và cấp bách trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp. Rừng ven biển không chỉ đóng vai trò như một lá chắn tự nhiên bảo vệ các vùng đất khỏi thiên tai mà còn là nơi hấp thụ và lưu trữ carbon hiệu quả, góp phần giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng này vẫn còn gặp nhiều thách thức trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái rừng ven biển.
Buổi tọa đàm là cơ hội để các đại biểu chia sẻ và cập nhật những nghiên cứu mới nhất về cơ hội và thách thức trong thị trường carbon từ hệ sinh thái rừng ven biển. Đây cũng là dịp để thảo luận về các giải pháp khả thi nhằm thúc đẩy quản lý bền vững và khai thác tối ưu các nguồn tài nguyên này, không chỉ bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương.
TS. Phạm Thu Thuỷ chia sẻ tại Hội thảo
Thông qua buổi tọa đàm này, chúng ta sẽ tìm ra những hướng đi sáng tạo và hiệu quả, góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, và ứng phó với biến đổi khí hậu. Sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà khoa học, các cơ quan quản lý, và cộng đồng là điều kiện tiên quyết để đạt được những mục tiêu này. Các hệ sinh thái ven biển và đất ngập nước (bao gồm rừng ngập mặn, đầm lầy thủy triều, và cỏ biển) đóng vai trò quan trọng trong việc thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, đồng thời đảm bảo sinh kế và an sinh xã hội cho cộng đồng ven biển. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng rừng ngập mặn và đất ngập nước ven biển có khả năng hấp thụ carbon cao hơn rất nhiều so với các hệ sinh thái khác, đặc biệt là rừng nhiệt đới. Tuy nhiên, thị trường carbon xanh từ các hệ sinh thái này vẫn chưa được khai thác và phổ biến rộng rãi.
Với tiềm năng lớn trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, các hệ sinh thái ven biển đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trên thị trường carbon toàn cầu. Tuy nhiên, việc thiếu thông tin và sự hạn chế trong giao dịch tín chỉ carbon xanh đã gây khó khăn trong việc phát triển các dự án carbon hiệu quả. Việt Nam, với đường bờ biển dài và hệ sinh thái ven biển dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu, đã có những chính sách tiên tiến nhằm bảo vệ, mở rộng và nâng cao chất lượng rừng và hệ sinh thái ven biển. Chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu cao trong việc phát triển thị trường carbon rừng, bao gồm cả carbon xanh, để tạo ra cơ chế tài chính bền vững hỗ trợ các chính sách giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chia sẻ tại hội thảo, TS. Phạm Thu Thuỷ- CIFOR-ICRAF -Đại học Adelaide,Úc, cho biết: Hiện nay, thị trường tín chỉ carbon rừng trên cạn không được nhắc đến nhiều, các nhà đầu tư chuyển sang tín chỉ carbon đại dương xanh -hệ sinh thái biển. Hệ sinh thái carbon xanh đại dương, gồm: rừng ngập mặn, đầm lầy, bãi triều, cỏ biển…tạo ra tín chỉ carbon cao. Một số nước đang đầu tư phục hồi hệ sinh thái tảo biển quy mô lớn. Trên thế giới có 31 dự án bán tín chỉ carbon liên quan đến rừng ngập mặn, giá bán cao hơn so với tín chỉ carbon rừng trên cạn. Năm ngoái, có 6 dự án trên thế giới được đấu thầu, giá bỏ thầu thấp nhất là 35USD/tín chỉ . Trong đó, ngành giao thông vận tải, dịch vụ, công nghệ thông tin… có nhu cầu mua khá cao. Đáng chú ý là thị trường tín chỉ carbon cũng xảy ra tình trạng có nhiều giao dịch mua đi bán lại giữa các bên trung gian trước khi đến tay người mua cuối cùng và họ đẩy giá lên rất cao. TS Thuỷ nhấn mạnh, dù tiềm năng lớn nhưng số lượng tín chỉ carbon rừng ngập mặn bán trên thị trường thế giới số lượng ít, do chính sách thiếu ổn định và thiếu hành lang pháp lý. Do đó, Việt Nam cần sớm hoàn thiên cơ sở hành lang pháp lý.
Ông Vũ Tấn Phương- Văn phòng chứng chỉ rừng Việt Nam, thông tin: Nước ta có khoảng 150.000ha rừng ngập mặn, trong đó, 80% phân bổ ở phía Nam. Bãi triều rất lớn, chủ yếu ở đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long, với 15.673ha cỏ biển, tập trung ở khu vực đảo Phú Quốc.Thách thức đặt ra hiện nay là khung pháp lý, hướng dẫn chưa rõ ràng về đầu tư, quyền carbon, chia sẻ lợi ích, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, quy đụnh về dăng ký, thương mại tín chỉ carbon. Theo ông Phương, Việt Nam cần có chiến lược, kế hoạch về phát triển lâm nghiệp gắn với tạo tín chỉ carbon rừng. Một số vấn đề cần quan tâm, là: tiềm năng, vùng ưu tiên, khách hàng, cơ chế, chính sách, giải pháp, khuyến khích đầu tư. Bên cạnh đó, Việt Nam cần đảm bảo năng lực kỹ thuật trong toàn bộ quá trình thực hiện, năng lực về xây dựng dự án, đo đạc, báo cáo và thẩm định….
PGS.TS Viên Ngọc Nam trình bày đề tài
Trình bày đề tài Thực trang hệ sinh thái rừng ngập mặn và trữ lượng carbon rừng ngập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), PGS.TS Viên Ngọc Nam- Trường đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh, cho biết: Tiềm năng tín chỉ carbon rừng ngập mặn cao nhưng công tác điều tra, xác định ranh giới loại rừng, chủ rừng, diện tích còn gặp nhiều vướng mắc, chưa kể đơn vị đo đếm có tư cách pháp nhân được công nhận là ai, đơn vị nào thẩm định. Bên cạnh đó, cơ chế pháp lý, giao dịch, giá cả, chủ sở hữu, quyền carbon… còn gặp khó khăn. Vì vậy, trước mắt cần quản lý rừng bền vững, nâng cao tuyên truyền người dân về tín chỉ carbon, nơi nào có điều kiện trồng rừng thì đầu tư trồng rừng, đa dạng sinh học, hạn chế sạt lở. Chúng ta muốn bán carbon rừng thì cần làm từng bước, không thể nóng vội…
Ban tổ chức và các diễn giả chụp ảnh lưu niêm
Phát biểu kết luận buổi toạ đàm, TS Trần Đình Lý, gửi lời cảm ơn chân thành đến các diễn giả, đại biểu, đặc biệt là các phóng viên báo chí, các bạn trẻ đã có mặt ngày hôm nay. Với sự háo hức, quan tâm có trách nhiệm của các bạn đối với chủ đề tọa đàm này phản ánh ý thức trách nhiệm của chúng ta trong việc bảo vệ môi trường và đối phó với biến đổi khí hậu, mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển bền vững của hệ sinh thái rừng ven biển.
Minh Ngô- Thanh Phong